Du học sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm thêm tại Australia

Tổng hội Du học sinh Việt Nam tại bang New South Wales (Australia) ngày 12/1 đã tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm du học cho học sinh, phụ huynh Hà Nội. Bốn diễn giả đã chia sẻ về sự khác biệt trong cách dạy và học của đại học Việt Nam so với Australia; cách học sao cho hiệu quả; việc làm thêm ở xứ sở chuột túi không dễ dàng như nhiều công ty du học giới thiệu…

Hai hình thức học tại trường của đại học Australia

Học Đại học Kinh tế TP HCM rồi chuyển tiếp sang Đại học Macquarie (Australia), Nguyễn Thị Ngọc Minh được trải nghiệm cách học của hai nền giáo dục. Tại Việt Nam, một giảng viên sẽ dạy tất cả buổi học của một môn, sinh viên đến gần kỳ thi mới học bài vẫn có thể đỗ.

Nguyễn Thị Ngọc Minh, sinh viên Đại học Macquarie (Australia)

Nguyễn Thị Ngọc Minh, sinh viên Đại học Macquarie (Australia)

Sau đó, sinh viên sẽ chia thành các lớp nhỏ khoảng 15-20 người học tutorial – tiết thảo luận với giảng viên chính hoặc trợ giảng là nghiên cứu sinh cao học. Những người này sẽ kiểm tra tất cả bài luận, thuyết trình và có vai trò quan trọng trong việc đánh giá điểm số của sinh viên. “Mỗi tuần bạn sẽ có một bài kiểm tra hoặc bài luận. Cách dạy và tổ chức lớp như vậy khiến sinh viên nếu đến kỳ mới học bài chắc chắn bị trượt”, Minh nói.Cách tổ chức học tập ở Australia lại khác, với hai hình thức học là lecture và tutorial. Lecture là buổi giảng bài của giảng viên chính (thường là giáo sư trưởng bộ môn) dạy chung cho tất cả sinh viên toàn khóa tại một giảng đường lớn, không điểm danh.

Nhiều học sinh Việt Nam sắp sang Australia du học, khi tham dự chương trình chia sẻ lo lắng làm thế nào để học tốt và duy trì hỗ trợ tài chính của trường theo từng năm. Tô Hồng Ngọc (học viên cao học Đại học Sydney) khuyên rằng phải luôn luôn đọc trước tài liệu môn học, ghi chú lại nội dung quan trọng và cố gắng trao đổi thật nhiều trong giờ thảo luận tutorial.

Việc mỗi tuần sinh viên chỉ có khoảng 12 giờ học ở trường (3 giờ/môn/tuần) bao gồm 3 giờ học học chung toàn khóa và 1-2 giờ/môn học thảo luận ở lớp nhỏ, buộc các bạn phải tự học ở nhà nhiều. Vấn đề nào chưa hiểu, bạn có thể lựa chọn giảng viên cảm thấy phù hợp nhất để hỏi hoặc nghe lại ghi âm bài giảng do trường ghi.

Nguyễn Dương Nguyên (sinh viên Đại học La Trobe) đạt mức điểm GPA 3.25/4, được trường chọn là một trong 10 người dạy kèm có nhận lương (peer tutor) cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình. Trường của Nguyên cho phép sinh viên được nghỉ không quá 4/12 buổi của một môn nhưng chàng trai này vì muốn lĩnh hội đầy đủ bài giảng của giáo sư nên không bao giờ nghỉ học.

Nguyên luôn đọc trước tài liệu môn học, ghi lại các ý chính của bài, sau giờ nghe giảng lại viết tổng kết nội dung thêm lần nữa. Thay vì cuối học kỳ mới đi hỏi giáo sư các vấn đề còn chưa hiểu như phần lớn sinh viên khác, Nguyên chọn cách nán lại 5-10 phút sau mỗi buổi học để hỏi luôn giảng viên.

“Mỗi tuần các giáo sư sẽ có hai giờ để sinh viên đến phòng hỏi nội dung mà họ chưa hiểu. Phần lớn các bạn đến cuối kỳ học mới xếp hàng để trao đổi với thầy. Em chọn cách hỏi ngay sau giờ giảng để những khúc mắc được giải đáp luôn, tránh để lâu lại quên”, Nguyên nói. Việc chăm chỉ hỏi thêm về bài vở khiến nam sinh được nhiều giảng viên nhớ mặt, quý mến.

Hỏi sinh viên khóa trước và chủ động tìm đọc các nguồn học liệu ngoài phần giáo sư giới thiệu, cũng là cách giúp Nguyên mở rộng vốn kiến thức và đạt kết quả học tập tốt.

Nhiều học sinh Hà Nội và các bạn trẻ sẽ sang du học tại Australia vào tháng 2 tham dự tọa đàm trao đổi kinh nghiệm.

Nhiều học sinh Hà Nội và các bạn trẻ sẽ sang du học tại Australia vào tháng 2 tham dự tọa đàm trao đổi kinh nghiệm.

Sách ở Australia đắt, tầm 150-200 AUD/cuốn (khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng), nên du học sinh Việt Nam rất hạn chế mua mà mượn thư viện hoặc đọc online. Môn học nào thực sự cần thiết, phải nghiên cứu tài liệu nhiều lần, họ mới đầu tư.

Rải hàng 100 đơn xin việc mới được nhận làm bồi bàn

Việc sinh viên Việt Nam xin làm thêm ở Australia không dễ dàng như nhiều công ty du học vẫn giới thiệu. Nguyễn Thị Ngọc Minh (Đại học Macquarie) và Nguyễn Dương Nguyên (Đại học La Trobe) mỗi người phải in hàng trăm đơn xin việc, đi đến gửi ở từng cửa hàng để khi có nhu cầu họ xem xét gọi.

“Ở Australia làm việc gì, từ bồi bàn, rửa bát cũng yêu cầu kinh nghiệm mà sinh viên mình không có điều đó nên ít được lựa chọn. Người môi giới vẫn nói lương khởi điểm làm thêm cho du học sinh từ 18 AUD/giờ (300.000 đồng), nhưng thực tế mình phải chấp nhận lương 13 AUD để lấy kinh nghiệm rồi sau đó lựa chọn công việc khác”, Ngọc Minh nói.

Sau nhiều ngày rải đơn xin việc, Nguyễn Dương Nguyên cũng nhận được chấp thuận cho làm bồi bàn, tuy nhiên em phải học việc không lương hai tuần. Sau khi được nhận vào làm chính thức, có trả lương, Nguyên chỉ duy trì được công việc này một tháng rồi tự xin nghỉ. Khi nhận được công việc làm thêm tiếp theo, nam sinh Việt Nam mới hay người chủ trước đã không thực hiện đúng luật lao động của Australia là phải trả lương cho cả người học việc.

Nguyễn Dương Nguyên (Đại học La Trobe) tìm được việc dạy kèm sinh viên nhờ điểm GPA cao.

Nguyễn Dương Nguyên (Đại học La Trobe) tìm được việc dạy kèm sinh viên nhờ điểm GPA cao.

Được anh chị đi trước khuyên nên xin làm thêm công việc trong trường để có mức lương cao, đỡ vất vả, từ năm nhất đại học Nguyên đã chủ động đến văn phòng trường hỏi thăm. Thời điểm đó, em chưa được nhận do mới sang học, chưa chứng minh được năng lực vượt trội của bản thân.

Tuy nhiên, Nguyên vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với văn phòng, thay vì bỏ qua như nhiều sinh viên khác. Đến kỳ học thứ ba (năm 2), khi đã thể hiện được khả năng của bản thân bằng mức điểm GPA 3.25/4, nam sinh Việt Nam được trao công việc dạy kèm cho các sinh viên trong và ngoài trường. Khoảng 600 sinh viên tại cơ sở Sydney của Đại học La Trobe mới có 10 người dạy kèm như thế.

“Ở Australia có hai loại lao động là chân tay và làm văn phòng cho các công ty dịch vụ hoặc chính trường đại học bạn theo học. Công việc làm trong nhóm nghiên cứu của giáo sư hoặc trợ giảng ở trường lương cao, đỡ vất vả nhưng khó xin vì cần khả năng tốt. Có hàng nghìn hồ sơ xin cùng gửi đến nên bạn phải làm sao để hồ sơ của mình nổi bật nhất, chứng tỏ được rõ nhất năng lực, sự phù hợp của bản thân với vị trí này”, thạc sĩ Luật thương mại (Đại học Melbourne, Australia) – Đỗ Gia Thắng nói.

Việc người Việt khó khăn khi xin làm lao động chân tay ở cửa hàng Australia, theo anh Thắng vì khả năng giao tiếp kém. Do đó du học sinh có thể lựa chọn làm thêm ở cửa hàng của người Việt và chấp nhận mức lương thấp hơn.

 

Nguồn: vnexpress