Bỏ việc nhà, mất ăn, mất ngủ vì thi giáo viên giỏi

Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT nhận thấy nhiều cuộc thi không thực chất nên đã bãi bỏ. Biểu hiện rõ nét nhất về bệnh thành tích trong giáo dục là thi giáo viên dạy giỏi đang diễn ra rầm rộ, bộc lộ nhiều bất cập. Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), một bộ phận giáo viên tham gia cuộc thi này đều áp lực, căng thẳng và không muốn thi.

Nỗi lòng người trong cuộc

Theo Thông tư 21/2010/TT-BGD&ĐT, giáo viên đủ điều kiện dự thi sẽ trải qua 3 vòng: Vòng 1 (Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm), vòng 2 (Kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm), vòng 3 (Thực hành giảng dạy 2 tiết trong chương trình).

Có 4 cấp độ thi giáo viên giỏi: Cấp trường (mỗi năm một lần), cấp huyện (2 năm một lần), cấp tỉnh (4 năm một lần), cấp toàn quốc (5 năm một lần). Giáo viên phải đạt danh hiệu giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, mới được đi thi cấp tỉnh.

Qua tìm hiểu thực tế, 100% các giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi mà tôi biết đều cảm thấy áp lực, căng thẳng và… không muốn đi thi. Nhìn qua thì thấy vinh dự và tự hào nhưng hầu hết các giáo viên đều rất sợ đi thi. Ban giám hiệu phải trực tiếp tuyển chọn gắt gao, phân công bắt buộc, nên hầu hết các giáo viên được tuyển chọn không thể chối từ.

Có những giáo viên phải bỏ việc nhà, mất ăn, mất ngủ, thâu đêm suốt sáng để chuẩn bị thi giáo viên giỏi. Với họ, thi giáo viên giỏi như một nỗi ám ảnh, tránh được càng lâu thì càng tốt. Nhiều đồng nghiệp của tôi sụt mất mấy cân vì đi thi giáo viên giỏi.

Ngay từ cấp trường, việc phải dự giờ nhiều lần một tiết dạy giống nhau cũng làm những người tham gia mệt mỏi, các em học sinh cảm thấy nhàm chán, nặng nề.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

5 bất cập của việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay

Giáo viên giỏi được công nhận trong các cuộc thi: Họ dành công sức cho các cuộc thi, quan tâm đến các yêu cầu của cuộc thi và quyết tâm giành chiến thắng. Tên của họ chỉ có trong các báo cáo thành tích, không nhắc ra thì nói chung là không ai biết.

Thực tế cũng cho thấy, không có dấu hiệu nào để học sinh nhận ra thầy cô mình đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và cũng không chắc giáo viên đạt danh hiệu đó có thể dạy giỏi thực sự.

Giáo viên giỏi tự phong (do học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh công nhận): Họ dành công sức cho học sinh, quan tâm đến hiệu quả giờ dạy và chất lượng của học sinh.

Nhiều đồng nghiệp của tôi, không có bất kì danh hiệu gì nhưng danh tiếng dạy giỏi của họ thì lừng lẫy cả Thủ đô.

Không thể phủ nhận công sức của các thầy cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, do công tác tổ chức đầy rẫy các mặt trái nên hiệu quả hầu như không có, thậm chí phản tác dụng.

Thứ nhất, việc chuẩn bị thường là của cả một tập thể, một tổ, thậm chí cả trường xắn tay lên lo cho một người, đến mức giáo viên không còn nhận ra chỗ nào là sản phẩm của bản thân mình. Có giáo viên không biết sử dụng máy tính nhưng được thiết kế bài từ đầu đến cuối, đến khi dạy chỉ cần bấm chuột.

Thứ hai, các tiết dạy công phu (và tốn kém) như vẫn thường thấy trong các cuộc thi không được mang ra dạy trong các tiết học bình thường. Những tinh túy (nếu có) thì học sinh cũng không được hưởng. Như vậy, chất lượng dạy học cũng không vì thế mà nâng cao, các đồng nghiệp cũng không phải vì các cuộc thi này mà học hỏi được gì nhiều.

Thứ ba, việc đánh giá năng lực một giáo viên chỉ qua 2 tiết học là không chính xác. Giáo dục là cả quá trình. Đánh giá chất lượng giáo dục cần nhìn vào kết quả đầu ra, vào sản phẩm giáo dục. Để làm được điều này cần có thời gian. Sau 90 phút mà kết luận thì quả là vội vàng, chủ quan, duy ý chí.

Thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay chủ yếu là diễn

Thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay chủ yếu là diễn

Thứ tư, việc soạn giáo án và lên phương pháp giảng dạy mà chưa biết gì về đối tượng học sinh là phản khoa học.

Theo quy định, lớp sẽ dạy là một lớp hoàn toàn mới, giáo viên chỉ được tiếp cận học sinh sớm nhất là 30 phút trước khi dạy, như thế tức là giáo viên coi như chưa biết gì về lớp, trong khi giáo án đã được soạn cả tuần trước đấy.

Trong giáo dục, với mỗi đối tượng học sinh khác nhau cần cách làm khác nhau. Chúng ta kêu gọi đặt học sinh vào trung tâm nhưng cách làm trên hoàn toàn mâu thuẫn với chủ trương đó.

Thứ năm, thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay chủ yếu là diễn. Giáo viên như một diễn viên thực thụ và chuyên nghiệp. Có thể nói, cứ có dự giờ là tiết học “không thật”. Bên cạnh đó, học sinh cũng phải nhập vai và cùng diễn.

Nhiều trường hợp, để chuẩn bị cho cô đi thi, cả cô và trò cùng diễn đi diễn lại đến… phát sợ. Đây là biểu hiện nặng nề nhất của căn bệnh, để lại di chứng tệ hại, làm mất đi sự trong sáng của giáo dục, gieo mầm mống cho sự dối trá.

Không thể phủ nhận công sức của các thầy cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, do công tác tổ chức đầy rẫy các mặt trái nên hiệu quả hầu như không có.

Không thể phủ nhận công sức của các thầy cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên, do công tác tổ chức đầy rẫy các mặt trái nên hiệu quả hầu như không có.

Bỏ cuộc thi, cần kiểm định độc lập

Những bất cập, tiêu cực của kì thi này là rõ ràng, đến cả học sinh cũng nhận ra. Một việc làm tốn nhiều thời gian, công sức nhưng ý nghĩa thậm chí nhỏ hơn con số 0 như thế thì không nên duy trì.

Tôi tha thiết đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư 21, dũng cảm bỏ kì thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay để thay thế bằng cách đánh giá giáo viên thực chất và khoa học hơn.

Tôi đồng tình với quan điểm sát hạch để cấp chứng chỉ cho giáo viên. Tham khảo các hình thức cấp chứng chỉ, chứng nhận khác như ngoại ngữ, tin học của các tổ chức uy tín trên thế giới chúng ta thấy họ làm rất tốt và rất đáng tin cậy.

Để tránh các tiêu cực xảy ra, cần một tổ chức độc lập, đủ năng lực để đánh giá, cấp chứng chỉ cho giáo viên, kể cả tổ chức tư nhân.

Việc làm này cần có lộ trình để tránh gây áp lực và xáo trộn trong đội ngũ giáo viên, đồng thời phải gắn với tính tự chủ trong các nhà trường phổ thông, có như vậy sự nỗ lực, cố gắng của giáo viên mới được ghi nhận và mới có cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguồn: Dân trí