Chuẩn bị chương trình phổ thông mới: Hàng nghìn giáo viên được đào tạo trực tuyến
Một số địa phương kiến nghị, Bộ GD&ĐT triển khai sớm công tác bồi dưỡng giáo viên và hiệu trưởng. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các tỉnh sẽ áp dụng phương thức đào tạo giáo viên trực tuyến để thầy cô không phải mất nhiều thời gian đi lại.
Sẽ có cách cho giáo viên vùng không điện, không mạng
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đào tạo giáo viên (GV) và chuẩn bị cho cơ sở vật chất là hai yếu tố then chốt để hiện thực thành công chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, các trường Sư phạm đã quan tâm vấn đề này từ lâu, khi chương trình GDPT mới bắt đầu xuất hiện, trong đó chú trọng thay đổi về cách dạy, học, kiểm tra đánh giá và các môn học mới.
“Một mặt chúng ta lo về đội ngũ GV khi chuẩn bị chương trình mới nhưng mặt khác yên tâm vì các trường Sư phạm đã chuẩn bị. Khó nhưng chắc chắn sẽ làm được vì sự tâm huyết và nỗ lực của thầy cô”, GS Minh nói.
Theo GS Minh, GV sẽ được bồi dưỡng từ tổng thể đến từng môn học, trước hết thực hiện cho sinh viên của các trường đại học Sư phạm, sau đó kết nối với địa phương thông qua trường cao đẳng. Hiện tại, thầy cô đều sử dụng smart phone, mạng Internet nên việc bồi dưỡng trực tuyến rất tiện lợi.
GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội
Một số đại biểu thắc mắc, hiện nay nhiều địa phương vùng núi khó khăn, thậm chí chưa có điện chứ chưa nói đến Internet. Vậy việc đào tạo GV ở các “vùng lõm” này sẽ ra sao?
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã tính đến điều này và đã làm việc với một số tổ chức, đơn vị viễn thông lớn, có hợp tác với Bộ GD&ĐT trong thời gian qua để tiếp tục phối hợp triển khai. Đảm bảo GV tất cả các vùng đều có thể tham gia đào tạo.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo Chương trình GDPT mới đã giao nhiệm vụ cho các trường Sư phạm, cơ sở đào tạo GV để đồng hành và xây dựng, triển khai chương trình ngay từ đầu. Giai đoạn này, ban chỉ đạo đề nghị các địa phương không được sắp xếp, sáp nhập các trường để đảm bảo đào tạo lại và bồi dưỡng cho GV kịp thời.
“Giáo sinh phải được “nhúng” vào môi trường giáo dục để thấy và hiểu được cuộc sống trong trường học, học sinh, đồng nghiệp, khi các em ra trường sẽ có kiến thức thực tế hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tuyển GV: Địa phương không nên “đẩy” lên Bộ?
Trả lời về vấn đề đội ngũ GV sẽ ra sao khi áp dụng chương trình GDPT mới, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, vấn đề đội ngũ ngành GD&ĐT là vấn đề rất nóng thời gian vừa qua, được quan tâm rất nhiều.
Nghị định 127/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành tháng 9/2018 vừa qua, đã quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm đủ viên chức, quản lý; đảm bảo đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở GDPT…
Bộ Nội vụ đã đi khảo sát thực tế thì thấy nhiều nơi kêu rất nhiều về thiếu giáo viên. (Ảnh: Mỹ Hà).
Về tình trạng thiếu GV, ông Cường cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã đi khảo sát thực tế thì thấy nhiều nơi kêu rất nhiều về thiếu GV.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã họp hai phiên trong năm 2018 và ra Nghị quyết giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát, báo cáo Chính phủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và các Nghị quyết của Đảng….
Ngày 2/1 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Bộ Chính trị, báo cáo và đề nghị xem xét về vấn đề biên chế cho đội ngũ nhà giáo. Sau khi Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo, hai Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.
Ông Cường cũng khẳng định, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản quy định hiện hành nhưng sẽ tích cực cùng với Bộ GD&ĐT ủng hộ cho việc đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ số lượng theo đúng vị trí việc làm. Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, đề nghị các địa phương xem xét thẩm quyền của mình và thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện quy định đó chứ không “đẩy” lên Bộ.
Nguồn: Dân trí