Trường tiểu học Nam Từ Liêm đang che giấu điều gì khi dạy toán bằng tiếng Anh?
“Phía nhà trường và doanh nghiệp khẳng định đang dạy Toán bằng tiếng Anh thì phía Sở Giáo dục Hà Nội lại cho rằng đó là dạy tiếng Anh chứ không dạy Toán”.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thắc mắc của phụ huynh về các vấn đề liên quan đến chương trình dạy toán bằng tiếng Anh của Công ty cổ phần giáo dục Gmaths.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội – nơi đang tổ chức liên kết với Gmaths.
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Bích – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Hiện trường đang liên kết với Gmaths để dạy Toán bằng tiếng Anh”.
Theo cô Bích: “Khi dự giờ tiết dạy Toán bằng tiếng Anh thì thấy cô giáo dạy hoàn toàn Toán bằng tiếng Anh”.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Phương Canh thì giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh ở trường này là giáo viên người Việt Nam, có trình độ thạc sĩ, cử nhân ngoại ngữ và sư phạm toán.
Liên quan đến chương trình dạy toán bằng tiếng Anh của Gmaths, chia sẻ với phóng viên, ông Hà Mạnh Quyết, giám đốc điều hành của công ty này cho rằng: “Chương trình của Gmaths là chương trình kết hợp giữa chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và chương trình quốc tế (cụ thể chương trình Toán của Mỹ và Singapore).
Đó là chương trình tích hợp, dạy theo đúng chuẩn khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không dạy quá chương trình”.
Ví dụ, trong chương trình Việt Nam ở lớp 1 có phép công trong phạm vi 10 thì trong chương trình quốc tế về kiến thức như nhau nên cũng dạy phép cộng trong phạm vi 10 nhưng các cháu được học bằng tiếng Anh”.Theo ông Quyết, chương trình đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục là không tăng lên lượng kiến thức cho học sinh.
Chia sẻ thêm về chương trình, ông Quyết cho rằng: “Để được triển khai thì chương trình phải được Sở thẩm định. Đó là chương trình tích hợp Toán và tiếng Anh.
Về giáo viên, đối với bậc trung học cơ sở giáo viên 100% có chuyên ngành Toán – Tiếng Anh (đây là những giáo viên là những thế hệ đầu tiên của ngành sư phạm Toán – tiếng Anh của Đại học sư phạm Hà Nội).
Còn giáo viên ở bậc tiểu học bao gồm giáo viên có chuyên ngành Toán – Tiếng Anh và giáo viên tiếng Anh”.
Tuy nhiên, theo tài liệu phía Trường Tiểu học Phương Canh cung cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ cho phép Công ty cổ phần giáo dục Gmaths triển khai thí điểm chương trình bổ trợ làm quen với thuật ngữ Toán bằng tiếng Anh đối với bộ tài liệu “Phát triển năng lực toán tiếng Anh” (I learn Maths) tại các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Được biết, chương trình dạy Toán bằng Tiếng Anh cấp tiểu học và trung học cơ sở của Gmaths được hội đồng thẩm định gồm nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ – nay là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Ông Chử Xuân Dũng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và 8 thành viên là giáo viên môn toán ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Thực chất là dạy ngôn ngữ Toán học bằng tiếng Anh. Về bản chất là dạy tiếng Anh.Trong khi nhà trường và doanh nghiệp khẳng định dạy Toán bằng tiếng Anh thì ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khi trả trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam lại khẳng định, dạy Toán bằng tiếng Anh hiện nay không phải là dạy Toán.
Theo ông Phạm Xuân Tiến thì mục đích của việc dạy này là giúp học sinh có vốn từ, ngôn ngữ của Toán học để học sinh có thể giải quyết các vấn đề như làm bài toán bằng tiếng Anh. Học sinh có thể tham gia các cuộc thi giải Toán bằng tiếng Anh.
Ông Tiến khẳng định: “Làm sao mà dạy Toán bằng tiếng Anh được”.
Cũng liên quan đến hoạt động dạy và học tiếng Anh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tìm cách liên hệ với trường Tiểu học Nam Từ Liêm để làm việc nhưng nhiều lần Hiệu trưởng Ngô Thị Thanh từ chối gặp.
Lúc bà Thanh lấy lý do bệnh tật, lúc lấy lý do đi chấm giáo viên giỏi, đi lên Sở làm việc.
Việc né tránh của bà Thanh có nhằm mục đích che đậy điều gì?
Qua tìm hiểu từ phía nhà trường, Sở và doanh nghiệp đang có mâu thuẫn do đó cần phải làm rõ tránh việc nhập nhằng trong cấp phép và triển khai của chương trình Gmaths hiện nay.
Nguồn: báo giáo dục